Vị trí địa lý:
Thủ đô Viêng Chăn nằm trong khu đô thị đặc biệt Viêng Chăn. Ngày trước thủ đô Viêng Chăn nằm trong tỉnh Viêng Chăn nhưng đến năm 1989 đã tách ra làm đôi: tỉnh Viêng Chăn và khu đô thị đặc biệt Viêng Chăn. Thủ đô Viêng Chăn nằm ở phía tây bắc CHDCND Lào, trên một nhánh sông Mekong, chính là biên giới tự nhiên giữa Lào và Thái Lan.
Dân số: Thủ đô Viêng Chăn có dân số khoảng 200.000 người, trong khi dân số toàn khu đô thị Viêng Chăn là khoảng 730.000 người (năm 2005)
Diện tích: 180 km2
Khí hậu: Có khí hậu nhiệt đới nóng và ẩm, chia thành 2 mùa rõ rệt: mùa khô từ tháng 5 đến tháng 9 và mùa mưa từ tháng 10 đến tháng 4. Nhiệt độ trung bình hàng năm là 29 độ C, cao nhất có thể lên đến 40 độ C và thấp nhất khoảng 19 độ C. Lượng mưa trung bình hàng năm từ 1.500 đến 2.000 mm.
Lịch sử:
Theo Sử thi Phra Lak Phra Lam của Lào, Hoàng tử Thattaradtha đã lập ra thành phố Chanthabuly Si Sattanakhanahud, được cho là nguồn gốc của thành phố Viêng Chăn hiện nay.
Ngày nay, các nhà sử học cho rằng Viêng Chăn ban đầu là nơi định cư của người Khmer tập trung quanh một ngôi đền Hindu. Năm 1354, khi vua Fa Ngum lập ra vương quốc Lane Xang, Viêng Chăn trở thành một thành phố quan trọng, dù nó không phải là thủ đô. Năm 1560, Viêng Chăn trở thành thủ đô vương quốc Lane Xang.
Năm 1893, Viêng Chăn rơi vào tay thực dân Pháp và năm 1899 Viêng Chăn trở thành thủ đô của nước Lào thuộc quyền bảo hộ của thực dân Pháp. Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, ngày nay, Viêng Chăn vẫn là thủ đô của nước CHDCND Lào.
Tên Viêng Chăn được cho là bắt nguồn từ nguyên gốc tiếng Lào, có nghĩa là “Thành phố của mặt trăng”.
Chính trị:
Cơ cấu tổ chức chính quyền địa phương:
Thủ đô Viêng Chăn được chia thành các quận: Chantabuly, Sikhottabong, Xaysetha, Sisattanak, Hadxaifong, nằm dưới sự lãnh đạo của chính quyền nhân dân và Thành ủy.
Các ngành nghề là thế mạnh:
Du lịch, thương mại, công nghiệp là những lĩnh vực có thế mạnh của Viêng Chăn. Những ngành nghề đặc biệt phát triển là công nghiệp thực phẩm, dệt lụa, kéo sợi bông, thuộc da, đóng đồ gỗ, làm hàng thủ công mỹ nghệ.
Văn hóa – xã hội:
Một số danh lam thắng cảnh nổi tiếng:
Khải Hoàn Môn Patuxay
Nổi bật trên đại lộ Lane Xang là Khải Hoàn Môn (Patuxay), trước kia gọi là Anou Savary (đài chiến sĩ vô danh). Khải Hoàn Môn nằm giữa bùng binh giới ranh phố Vientiane và khu vực That Luang. Đài Anou Savary được tạo dựng từ 1958, phần dưới và ngoài mô phỏng theo đài Arc de Triumphe tại Paris, nhưng phần trên và trong gồm những nét kiến trúc, phù điêu đặc thù Lào. Đứng trên tầng cao nhất của Anou Savary ta có thể thấy toàn diện cảnh quan Vientiane.
Pha That Luang
Cuối đường Lane Xang là That Luang – di sản văn hóa thế giới, biểu tượng của quốc gia Phật giáo tiểu thừa Lào, được in trên tiền giấy và quốc huy của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào. Thạt Luông hay (Pha) That Luang (Thạt Lớn trong tiếng Lào) là một thạt (stupa) Phật giáo được xây từ năm 1566 trên phế tích của ngôi đền Ấn Độ thế kỷ 13, mặt ngoài được dát vàng. That Luang chính là tháp xá lị lớn nhất và đẹp nhất ở Lào. Hàng năm ở đây vào trung tuần tháng 11 đều diễn ra lễ hội lớn mang tính chất quốc gia là lễ hội That Luang. Vé vào tham quan: 3.000 Kip/người.
Buddha Park (Vườn tượng Phật) ở Xieng Khuan nằm cách Viên Chăn 25km về phía Đông Nam. Tại đây có hơn 200 bức tượng Phật giáo và các nhân vật trong Hindu giáo làm bằng bê tông, nổi bật với bức tượng Phật khổng lồ đang chống tay dài 40m. Ngoài ra còn các bức tượng mang hình ảnh con người, thần linh, động vật và ác quỷ. Bạn có thể đi vào bên trong công trình mang hình dáng quả bí ngô khổng lồ thông qua một chiếc mồm quỷ cao gần 3m và trèo cầu thang lên tham quan từng tầng tượng trưng cho Địa ngục, Trần gian và Thiên đường. Để đến đây bạn nên đi bằng tuk tuk nếu đông người, giá khoảng 70.000 Kip hoặc bắt xe buýt số 45 ở gần chợ Talat Sao với giá 5.000 Kip/người, 20-40 phút có một chuyến. Vé tham quan Buddha Park: 5.000 Kip.
Tọa lạc tại góc đường phía Đông giao giữa đường Lane Xang và Khu Vieng, khu vực chính ở thủ đô Viên Chăn, ngôi chợ ngày mở cửa từ 7h00 sáng đến 16h00 chiều. Đây là điểm thu hút rất đông du khách đến tham quan và mua sắm tại thủ dô nước Lào. Trong chợ có rất nhiều cửa hiệu nhỏ, nhà hàng, các quầy trái cây và rau, quầy trang sức, lụa, đồ thủ công mỹ nghệ, dụng cụ âm nhạc, đồ điện tử, đồ gia dụng… Talat Sao là nơi quy tụ hàng hóa mang bản sắc Lào do đó bản sẽ dễ dàng tìm mua được vài món đồ ưng ý về để làm quà cho người thân.
Chùa (Wat) Phra Keo
Vào thăm chùa Phra Keo, chúng ta như lạc vào “thế giới nghệ thuật” bởi những tác phẩm điêu khắc, chạm trổ và hiện vật quý hiếm đều dát bằng vàng, bạc, ngọc thạch lung linh sắc màu. Chùa Phra Keo không chỉ thờ tượng, Phật, mà đây còn là một bảo tàng trưng bày nhiều tác phẩm nghệ thuật đạo giáo Lào. Ở Viên Chăn, Wat Phra Keo là ngôi chùa quan trọng và nổi tiếng chỉ sau That Luang.
Wat Sisaket
Toạ lạc trên đường Sethathirath, gần đại lộ Lane Xang, Wat Sisaket là ngôi chùa được giữ nguyên bản từ khi xây dựng năm 1818 bởi vua Chao Anou theo kiến trúc Phật giáo Xiêm. Wat Sisaket gây ấn tượng bởi những hành lang với các bức tường được trang trí bằng hơn 2000 hình ảnh đức Phật bằng đồng, gỗ quý, gốm sứ, mạ vàng và bạc. Tổng số tượng Phật ở chùa lên đến 6.840 bức lớn nhỏ rất quý hiếm.
Wat Ong Theu
Cũng nằm trên đường Setthathilath, chùa Wat Ong Theu thu hút bởi bức tượng Phật bằng đồng lớn nhất Viên Chăn. Cái tên Vat Ong Theu có nghĩa là ngôi Chùa Tượng Lớn. Trong khuôn viên chùa có trường Phật giáo Sangha nơi các nhà sư từ khắp Lào thường xuyên về đây để học tập về đạo Phật.
Wat Si Muang
Ở giữa đường Setthathilath và Samsenthai có một ngôi chùa thể hiện rõ nhất sự kết hợp của đức tin Phật giáo và tín ngưỡng nguyên thủy của Lào. Có nhiều truyền thuyết liên quan đến ngôi chùa này nhưng có một có điều chắc chắn Si Muang là tên của một người đàn bà mang thai cách đây khoảng 300 năm. Ngôi chùa Si Muang được người Lào xây dựng nên để tôn thờ và tưởng nhớ bà. Nếu đến Viên Chăn bạn có thể đến đây để làm lễ buộc chỉ cổ tay cầu may, theo phong tục truyền thống của Lào.
Tết cổ truyền Bunpimay hay còn gọi là Lễ hội té nước diễn ra từ ngày 13 đến ngày 16 tháng 4 hàng năm. Vào ngày đầu tiên của Tết Lào, người ta quét dọn, lau chùi nhà cửa sạch sẽ, chuẩn bị nước thơm và hoa rồi lên chùa. Đầu tiên họ tưới nước lên các tượng Phật sau đó họ còn té nước vào các nhà sư, chùa và cây cối xung quanh chùa, rồi đến những người xung quanh. Họ không chỉ té nước vào người mà còn vào nhà cửa, đồ thờ cúng, súc vật và công cụ sản xuất. Người Lào tin rằng nước sẽ giúp gột rửa điều xấu xa, bệnh tật và cầu chúc cho năm mới sống lâu, sạch sẽ và mạnh khỏe. Ai bị ướt nhiều là hạnh phúc nhiều. Ngoài ra, trong những ngày này, người ta cũng buộc vào cổ tay nhau những sợi chỉ nhiều màu để chúc phúc.