Từ Vientiane, bỏ lại sau lưng đoạn đường hơn 400km, chúng tôi đến thị xã Phonesavanh – tỉnh lỵ của Xiêng Khoảng khi đã quá hai giờ chiều. Cũng chừng ấy cây số, du khách có thể đến Xiêng Khoảng bằng đường bộ theo QL7 từ Vinh (Nghệ An), qua lối cửa khẩu Mường Xén.
Từ ban công khách sạn trên sườn núi Voi (Phou-xang), du khách có thể phóng tầm mắt nhìn bao quát toàn bộ thị xã Phonesavanh yên bình dưới thung lũng. Nắng đổ vàng trên những ngọn đồi, nắng xiên qua những rừng thông mơ mộng, làm sáng bừng lên bức tranh cây cỏ trên đồng với những thửa lúa, vuông rau xanh non mướt mát. Xa xa, từng đàn bò đang nhởn nhơ gặm cỏ, điểm những chấm vàng trên thảm xanh mênh mông. Xếp tạm hành lý vào khách sạn, chúng tôi cho xe chạy về phía Cánh đồng Chum – cách trung tâm thị xã hơn 10km để khám phá những điều kỳ bí xung quanh những chiếc chum đá khổng lồ từ mấy nghìn năm trước.
Đá vẫn ngàn đời lặng lẽ ôm giấu sự thật chẳng thể cất lời
Cánh đồng Chum, tiếng Lào gọi là “Thoong Hảy hín” – là khu di chỉ cự thạch, gồm hơn 2.000 chum đá lớn nhỏ phân bố rải rác tại 90 điểm trên cao nguyên Mương Phuông (Muaeng Phuang) ở độ cao 1.200m so với mực nước biển. Thời chiến tranh, Xiêng Khoảng là chiến trường ác liệt. Hàng triệu tấn bom Mỹ đã trút xuống mảnh đất này. Nhà cửa, kho tàng, các di tích lịch sử văn hóa, tôn giáo đều bị hư hỏng nặng, trong đó có Cánh đồng Chum, mà những hố bom nằm rải rác khắp nơi ở đây là một minh chứng. Do bom mìn còn sót lại chưa được rà phá hết nên du khách chỉ có thể tham quan được 3 địa điểm chính là bản Ang – (250 chum), Lắt Sén (100 chum) và bản Sua (100 chum), cách thị xã Phonesavanh theo thứ tự 10km, 23km và 28km.
Chúng tôi đến thăm cụm chum đá bản Ang khi đã quá nửa buổi chiều. Cả một Cánh đồng Chum hiện ra trước mắt, trông từ xa như một bàn cờ với những cái chum lổn nhổn trông rất kỳ lạ. Đến gần mới thấy chúng rải rác từng nhóm, cái đứng, cái nghiêng, cái chôn nửa mình trong đất, với đủ kích cỡ từ nhỏ to đến cao thấp. Hình dạng chum cũng khác nhau: cái thắt núm, cái miệng thẳng, cái vuông vức, cái hình trụ, cái cao thon. Nhưng chỉ duy nhất một cái có nắp đậy. Phần lớn chum cao chừng 1 – 2m, nặng trung bình từ 6 tạ đến 1 tấn. Cái lớn nhất cao 3,25m, chum nặng nhất tới 14 tấn. Hầu hết được chế tác từ đá granite. Một số làm từ sa thạch có chứa thạch anh fenspat và mica. Trên mỗi chiếc chum còn chạm khắc hình người hay động vật cùng một số biểu tượng khác.
Có nhiều cách giải thích về những chiếc chum đá khổng lồ này. Nhưng có lẽ, quan điểm của nhà khảo cổ học Pháp – bà Madeleine Colani – người được Trường Viễn Đông Bác Cổ cử sang Lào khai quật tại Cánh đồng Chum năm 1930 thể hiện trong cuốn “Cự thạch cổ vùng Thượng Lào”, cho rằng mỗi cái chum là quan tài chứa di cốt người chết, là có vẻ đáng tin hơn cả. Bởi vì, bà đã tìm thấy xung quanh chum có xương và răng người, cùng những vòng tay bằng đồng thau, những chuỗi hạt bằng thủy tinh và mã não. Bà còn phát hiện một cái hang gần đấy có lẽ là nơi hỏa táng di cốt khi trên trần hang có dấu khói đen. Những bằng chứng khảo cổ của bà đã xác định thời gian hình thành và tồn tại của khu di chỉ này khoảng 500 năm trước đến 500 năm sau Công Nguyên.
Các nghiên cứu sau này của giáo sư Eiji Nitta – Trường Đại học Kagoshima – Nhật Bản; hai nhà khảo cổ học người Lào là Thoongsa Sayavongkhamdy và Thonglith Luangkhoth; rồi các nhà khảo cổ học của UNESCO về Cánh đồng Chum cơ bản đều đồng quan điểm cho rằng, các dấu tích di cốt, nồi táng, hiện vật thu được trong những hố đào xung quanh các chum đá là cùng thời. Những chum đá đó chỉ là vật tượng trưng để đánh dấu nơi chôn cất xung quanh.
Rời Cánh đồng Chum khi trời đã tắt nắng. Những cơn gió mang theo hơi lạnh của sương chiều đã ùa về trên cao nguyên mát rượi. Ngoái cổ nhìn lại, những chiếc chum đá vẫn lặng lẽ chôn chân trên cánh đồng giữa ráng chiều rực đỏ, mang theo những điều bí ẩn và hiện hữu cùng tồn tại ngàn đời ở nơi đây.
Xiêng Khoảng đâu chỉ có Cánh đồng Chum
Không thể phủ nhận sức hút của Cánh đồng Chum đối với khách du lịch, nhất là khi khu di chỉ này được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa thế giới năm 2019. Nhưng Xiêng Khoảng đâu chỉ có Cánh đồng Chum. Mảnh đất này còn chứa đựng nhiều điều bí ẩn cần khám phá khi từng là lãnh địa của tộc người Phuang; từng chứng kiến bao cuộc chiến huynh đệ tương tàn giữa các nhóm quyền lực của Vương quốc Lan Xang và cả những cuộc oanh kích ác liệt của không quân Mỹ trong thời chiến tranh Đông Dương thập niên 60 – 70 của thế kỷ trước. Dẫu không còn lành lặn, nhưng những phế tích về tôn giáo còn sót lại đến ngày nay cũng đủ minh chứng về thời vàng son của một vương quốc xưa.
Cách thị xã Phonesavanh chừng 30km về phía nam là trung tâm mương Khoun. Tại đây, du khách có thể tham quan cụm di tích Phia Vat và các bảo tháp That Foun, That Chomephet ngay bên đường ở bản Siphom – vốn được xem là biểu tượng văn hóa của tộc người Phuang văn minh, hùng mạnh một thời.