Hướng dẫn tự đi Lào

HƯỚNG DẪN CHUNG CHO CÁC BẠN MUỐN TỰ ĐI Du Lịch Lào

1. Đi đường bộ tự lái xe đi, bạn lên Sở GTCC xin liên vận cho xe. Đăng ký thủ tục liên vận: Thời gian chờ cấp sổ liên vận khoảng 5 ngày và thời hạn cho phép ở Lào là 1 tháng nên đăng ký trước thời gian đi khoảng 10 hôm là đẹp.

Thủ tục:
+ 01 Đơn theo mẫu tải trên trang web của Sở GTVT: khai theo thông tin trên đăng ký. Nếu là xe cá nhân: Chủ xe đi làm thủ tục. Nếu xe công ty: có giấy giới thiệu của Công ty. Trên tờ khai phần Cửa khẩu xuất nhập: Tất cả các cửa khẩu; phần Thời gian đề nghị cấp phép: 01 tháng,
+ 01 Photo Đăng ký xe
+ Giấy tờ gốc đối chiếu, nếu xe đang thế chấp vay Ngân hàng thì cầm photo đăng ký có xác nhận của Ngân hàng. Cầm theo sổ Đăng kiểm, giấy tờ đi Lào của những lần trước (nếu có).
+ Nộp 50.000 VND và giấy hẹn sau khoảng 5 ngày đến nhận sổ Liên vận.
2. Đi Open bus từ Bến xe nước ngầm, giá vé 500K VND/lượt chặng HAN – Viêng Chăng, còn đi LPB thì 850K/lượt. Liên hệ xedilao.com

3. Đi máy bay của 2 hãng Lao và VN, bay hàng ngày từ HN đi Cố đô LPB hoặc Thủ đô Viêng Chăn. Giá vé hơi cao vì chỉ có hai hãng hàng ko nên ko có sự cạnh tranh.

Lào chia là 3 miền chính: Bắc Lào, Trung Lào và Nam Lào. Gồm 17 tỉnh và 1 Thủ đô.

1. Nam Lào bao gồm Savannakhet đi xuống dọc Champack, Attaupue…. giáp với VN, Cambodia, và Thái Lan. Đến đây có các điểm thăm quan nổi tiếng như: That Inhang(Savannakhet), Wat Phou (Champsack). Nói thêm đi tới Champasack để khám phá hết vẻ đẹp của nó thì bạn cần có tối tiểu khoảng 4 ngày vì trải dài tới giáp Salavan là cao nguyên Bolaven, đồn điền càfe và các khu danh lam thắng cảnh. Xuống phía giáp CK Camphuchia thì có 4000 đảo… (Mình sẽ viết chi tiết từng tỉnh có điểm du lịch cho các bạn sau).

<3 Điểm du lịch đặc sắc của vùng Nam Lào bao gồm:

*** Savannakhet có chùa Inhang, Bảo Tàng Khủng Long, đặc biệt tới đây thì thử Casino Savan Vegas =)).
*** Thành phố Pakse thuôc tỉnh Champasack: Có chùa Luang lớn và đẹp ngay trung tâm thành phố, Chùa Salau với hàng trăm pho tượng trên núi, Vat Phou, 4000 đảo, Thác KHonphapheng, Cao Nguyên Bolaven (Huyện Paksong).
***Salavan: Nhiều thác lớn đẹp nhưng chưa khai thác nhiều chủ yếu là tây đi khám phá.

2. Trung Lào bao gồm nhiều tỉnh từ Bolikhamxay tới Thủ đô Viêng Chăn. Miền Trung nổi tiếng có Động Konglor ở Thakkek (cái này đẹp mà mình chưa đc đi mục sở thị nhưng theo mình biết TÂY mê mẩn) và chính phủ Lào chưa đầu tư khai khách, nếu đầu tư mình đảm bảo nó đẹp không kém các hang động trong khu vực. Tiếp đến là thủ đô Viêng Chăn. Thủ đô của Lào nằm ở Miền Trung, khác với các nước trong khu vực và đặc biệt hơn là Thủ đô cũng có đường biên giới giáp với Đông Bắc Thái Lan. Thủ đô chủ yếu nằm ở Miền Bắc.

<3 Điểm du lịch đặc sắc của vùng Trung Lào bao gồm:

*** Thủ đô Viêng Chăn nhỏ và có nhiều danh lam thắng cảnh như: Vat Ho Prakeo, Vat Sisaket, Vat Si Muong, Vườn Tượng Phật, Khải Hoàn Môn Patuxay, That Luang, Vat Ong Te, Bảo tàng Kayson, Bảo tàng Quốc GIa….
*** Bolikhamxay: Nổi tiếg với động Konglor.

3. Bắc Lào bao gồm từ Tỉnh Vieng Chăn cho tới Phongsali giáp với CK Tây TRang của Việt Nam.

<3 Điểm du lịch đặc sắc của vùng Bắc Lào:

*** Thị xã Vang Viêng (thuộc Tỉng Vieng Chăn) – Nổi tiếng với các trò chơi mạo hiểm như Kayaking, Zilpline, tubing, buggy car…..
*** Cố đô Luang Prabang gắn liền với lịch sử của đất nước Triệu Voi như: Chùa Xieng Thong, Bảo tàng Hoàng Gia (trước đây là Hoàng Cung), Thác Kuangsi, Thác Sea, Vườn Bướm, Làng Dân tộc H’mong gần thác Kuangsi, Chùa Mai, Chùa Sen, Chùa Visoun, Đỉnh Phousi, Chợ Đêm, Vườn Hoa Thành phố, Động Pak Ou, Bản Xienghai nơi sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ, rượu wishy Lào hay giấy gió….
*** Xieng Khoảng nổi tiếng với Cánh Đồng Chum hay Muang Khuon – thủ phủ cũ của Xieng Khoảng.
*** Sam Nue: Nổi tiếng với các hang động và là khu hoạt động cách mạng ngày xưa của Bộ Độ Việt Nam Và Lào… nói chung bạn nào thích phượt cung đường khó đi, thích đồi núi thì đi, còn m thì không thích nên thực sự m ko mấy ấn tương =)).
*** Luang Namtha nổi tiếng với Muang Sing, Bảo tàng dân tộc… >> Khu này chủ yếu khách Pháp, Đức, Ý thích đi vì nó là vùng dân tộc miền núi, họ thích kiểu du lịch khám phá, ở homestay….
*** Bekeo: Bokeo khu vực tam giác vàng…nơi đã trồng rất nhiều ma túy và cũng nổi tiếng với các casino lớn.
*** Phongsaly nổi tiếng với đồi chè 400 năm tuổi…
<3 <3 <3

BẮT ĐẦU CHUYẾN ĐI TỪ CÁC TỈNH MIỀN BẮC CỦA VIỆT NAM: Bạn sẽ chạy dọc theo quốc lộ 1A vào Hà Tĩnh và đi qua CK Cầu Treo vào Lào. Dọc đường đi bạn sẽ đc ngắm núi non hùng vĩ được ví như THẠCH LÂM CỦA TRUNG QUỐC =)), đoạn này có thể các bạn cho mình nói quá nhưng thực sự mình thấy nó đẹp vì hai bên là dải núi Trường Sơn nối liền Việt nam và Lào. Điểm mình muốn đề cập tới đầu tiên \có nhiều điểm thăm quan là Thủ đô Viêng Chăn.

Thủ đô Viêng Chăn là ở cuối Trung Lào, là thủ đô có đường biên giới giáp với Đông Bắc Thái, nên này Sông Mekong là Lào và bên kia sông Mekong là Thái. Thái vươn mình phát triển hội nhập kinh tế, còn LÀo bên này sông vẫn cứ yên bình như vốn có của mình =)). Tuy nhiên, mình thích sự yên bình nơi đây…

Thủ đô Viêng Chăn nhỏ và các điểm thăm quan gần nhau (trừ Vườn tượng Phật) cách TT thủ đô 25km trên đường ra cửa khẩu hữu nghị Lào Thái. (Bạn nào đi có time thì nhấm thêm tí qua Thái chơi tí rồi về vì ck Lào Thái mở cửa từ 6Am tới 22:00 nên các bạn chơi trong ngày cũng đc à nha).

Với những bạn muốn tới Xiêng Khoảng trước thì đi Vinh rồi vào Con Cuông lên Cửa khẩu Nậm Cắn vào Lào. Thủ tục cơ bản các ck LÀo như nhau.

<3 <3 <3

Các bạn xuất phát các tỉnh Tây Bắc Việt Nam thì có thể qua ck Tay Trang vào Phongsaly rồi xuống Luang Prabang.

<3 <3 <3
Với các bạn ở Miền Trung thì có thể vào Lào qua 3 cửa khẩu: Lao Bảo vào tỉnh Savannakhet (Nam Lào), Cha Lo vào Bolikhamxay (Trung Lào) hay La Lay (Quảng Trị) vào tỉnh Salavan (Nam Lào).
<3 <3 <3
Với các bạn ở Miền Nam có thể đi qua cửa khẩu Bờ Y giáp tớ Attapeu Lào, hay đi qua cửa khẩu Hoa Lư vào Cam sau đó tới cửa khẩu Nongnockhien vào Tỉnh Champasack.

GIỚI THIỆU QUA VỀ LỊCH SỬ LÀO.
Nước Lào, trước đây còn gọi là Vương quốc Lạn Xạng, “Lạn” tiếng Lào là triệu, “Xạng” là voi. Lạn Xạng có nghĩa là Triệu Voi. Được mệnh danh là Miền đất Triệu Voi- Lào nằm ở nơi giao hội của hai nền văn minh vĩ đại và hùng mạnh nhất châu Á là Ấn Độ và Trung Hoa, người dân Lào đã hấp thụ những phong tục và tín ngưỡng của hai nền văn minh ấy để hình thành nên một nền văn hóa đặc sắc của riêng mình hết sức độc đáo. Nền văn hóa Lào là nền văn hóa Phật giáo. Đạo Phật đã ăn sâu vào tư tưởng của người Lào, ảnh hưởng này được phản ánh trong ngôn ngữ và nghệ thuật, tạo nên một dân tộc Lào rất riêng.

Với dân số khoảng 7 triệu người và có tới 1.400 ngôi chùa lớn nhỏ, Lào là nước có tỉ lệ chùa so với dân số cao nhất thế giới, 90% dân số theo đạo Phật. Đạo Phật được truyền vào xứ Lào trong triều vua Dvaravati vào thế kỷ thứ 7, và từ thế kỷ 14 Phật giáo đã trở thành quốc giáo. Người dân Lào đã thấm nhuần trong mình những lời Phật dạy, một mực kính trọng các bậc tăng ni, những vị sư sãi trong chùa. Chùa gắn liền với trường học, gắn cả với đời, sư sãi ăn uống bình thường như dân dã. Phật tử Lào thường tích đức bằng nhiều hoạt động gọi là Thiện nghiệp.

Vào những dịp lễ hội, Lào hấp dẫn khách du lịch và các Phật tử đến tham quan, tìm hiểu Phật giáo không kém gì xứ sở chùa vàng – đất nước láng giềng Thái Lan. Chùa chiền, đền tháp là nơi gắn bó cả đời với người Lào, cũng là chất keo cộng đồng gắn kết các bộ tộc Lào lại với nhau- chất keo văn hoá Phật giáo. Chùa chiền với những mái ngói uốn cong nhiều dáng vẻ còn là biểu hiện sự phát triển của nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc và thẩm mỹ của người Lào. Lễ hội gắn với chùa chiền, chùa chiền gắn liền với làng bản, là nơi để mọi người gặp gỡ, vui chơi và múa hát, góp phần tạo nên bản sắc văn hoá Lào trường tồn, lung linh và quyến rũ.

Lào là đất nước bốn mùa lễ hội. Lễ hội ở Lào hay được gọi là Bun. Nghĩa đúng của Bun là phước. Làm bun nghĩa là làm phước để được phước. Cũng như các bước trong khu vực Đông Nam Á, lễ hội tại đất nước Lào cũng chia làm 2 phần, phần lễ và phần hội. Lào là xứ sở của lẽ hội, tháng nào trong năm cũng có. Mỗi năm có 4 lần tết: Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán (như ở một số nước Á Đông), Tết Lào (Bun Pi May vào tháng 4) và Tết H’mong (thangs12). Ngoài ra còn các lễ hội: Bun Pha Vet (Phật hóa than) vào tháng 1; Bun Visakha Puya (Phật đản) vào tháng 4; Bun Bang Phay (Pháo thăng thiên) vào tháng 5; Bun Khao Phan Sa (mùa chay) vào tháng 7; Bun Khao Padapdin (tưởng nhớ người đã mất) vào tháng 9; Bun Suanghua (đua thuyền) vào tháng 10.

Cũng như các nước trong khu vực Đông Nam Á, lễ hội tại đất nước Lào cũng chia làm 2 phần, phần lễ và phần hội. Phần lễ là phần nghi thức do chính con người đặt ra để giao cảm với thần linh và phần hội chủ yếu là vui chơi, giải trí. Lào có tết cổ truyền Bunpimay (có nghĩa là mừng năm mới), hay còn gọi là Tết Té nước diễn ra từ ngày 13 đến ngày 16 tháng 4 hàng năm. Vì đạo Phật ở Lào có từ lâu đời, phát triển mạnh trở thành quốc đạo, các nhà chiêm tinh học tính ngày tháng theo phật lịch, nên năm mới hàng năm bắt đầu vào tháng tư dương lịch. Người Lào gọi tết là vui tết chứ không gọi là ăn tết, tất cả các cuộc vui được chuẩn bị theo truyền thống tôn giáo, phù hợp với phong tục tập quán của người Lào.

Trong dịp lễ hội, vui chơi là chủ yếu, tuy nhiên họ cũng chuẩn bị đồ ăn, thức uống thịnh soạn hơn ngày thường, đặc biệt là không thể thiếu rượu. Ngày tết từ sáng sớm dân làng diện những bộ đồ đẹp nhất, với màu sắc sặc sỡ, tập trung tại sân chùa để dự lễ tắm Phật. Xong lễ tắm Phật, mọi nhà làm lễ buộc cổ chỉ tay cho những người thân trong nhà, tục lễ này gọi là pục khén hay còn gọi là xù khoắn, lễ gọi hồn vía. Nhân dịp đầu năm con cháu chúc ông bà, cha mẹ, bạn bè, người thân gặp may mắn hạnh phúc.

Cũng vì lẽ đó, lễ mừng năm mới còn gọi lễ té nước (gọi là bun hốt nậm), trong những ngày lễ, thanh niên nam, nữ thường té nước cho nhau vừa chúc mừng nhưng cũng vừa để tỏ tình. Bun hốt nậm còn có ý nghĩa về chuyện chuyển năm và cũng là chuyển mùa từ mùa khô sang mùa mưa; sau những tháng ngày hanh khô, những cơn mưa rào ập đến mang nước mát tưới cho núi rừng, cỏ cây, ruộng đồng, màu xanh tươi mát của chồi non vụt nhú lên báo hiệu một mùa làm ruộng, rẫy mới.

Người dân té nước để cầu may, cầu bình yên cho cả năm, cầu cho mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt. Vào những ngày lễ hội, mọi người thăm viếng chúc tụng lẫn nhau, ăn uống, vui chơi, múa hát cầu mong quốc thái dân an, nhà nhà hạnh phúc, người người ấm no… Với người Lào, những phong tục trong lễ hội Bunpimay mang ý nghĩa đem lại sự mới mẻ, phồn vinh cho vạn vật, ấm nps, hạnh phúc cho cuộc sống, là dịp để nuôi dưỡng và hun đúc nghệ thuật dân tộc.

Trong ý nghĩ chúng ta, người Lào anh em rất gần gũi và hầu như không gặp trở ngại gì lớn trong văn hóa và giao tiếp. Tiếp xúc nhiều, thực tế đó càng rõ hơn, người Lào và những thứ thuộc về họ rất tuyệt. Dường như trong những nét văn hóa Lào ta cũng cảm nhận được nét tương đồng với đất nước chúng ta.

Chăm pa (hoa đại) là một loài hoa biểu tượng của đất nước và con người Lào. Mang đậm một bản sắc riêng biệt, hương sắc ngào ngạt của hoa chăm pa phản ánh rõ tính cách, tâm hồn của dân tộc Lào, với những con người có một vẻ đẹp giản dị, chan hoà và chất phác, thật thà. Đối với người dân Lào, chăm pa đại diện cho sự chân thành và niềm vui trong cuộc sống.

Loài hoa này thường được sử dụng để trang trí các nghi lễ hoặc làm thành vòng hoa chào đón khách. Hoa chăm pa được trồng phổ biến trên toàn lãnh thổ Lào, đặc biệt là gần khu vực các tu viện. Người dân Lào thường trồng hoa chăm pa để tô điểm cho vẻ đẹp thanh bình êm ả của đất nước và sống động hơn trong không khí hội hè. Đến với đất nước Lào là đến thăm đất nước hoa chăm pa, buộc vào cổ tay vòng chỉ cầu mong phúc lành, say sưa không muốn dứt trong những điệu múa lăm vông dưới bóng cây chăm pa.

Văn hoá Lào như một dòng chảy ngọt ngào đời này qua đời khác, hun đúc nên tâm hồn, cốt cách và văn hoá của người Lào. Qua thời gian, được kết tinh ở những phong tục văn hoá đẹp đẽ như Tết Té nước để giải trừ mọi lo âu phiền muộn; buộc chỉ cổ tay chúc phúc người thân, chúc phúc khách quý, bạn bè… đó là mỹ tục độc đáo và hiếm có. Và hoà cùng với tiếng chiêng, tiếng khèn, điệu lăm vông mềm mại uyển chuyển làm say đắm lòng người, như mời gọi, như níu giữ bước chân du khách đã đặt chân đến đất nước Lào là không muốn rời xa.

MỘT SỐ VĂN HÓA LÀO

TỤC BUỘC CHỈ CỔ TAY

Lễ buộc chỉ cổ tay là một phong tục có từ rất lâu đời ở Lào, nó mang nét đẹp về văn hóa về tinh thần của người dân xứ xở Triệu Voi.
Lễ buộc chỉ cổ tay được tiến hành vào các dịp Tết Bunpimay (Tết truyền thống của Lào), vào dịp cưới xin, dịp tiễn người đi xa hoặc trở lại nhà sau thời gian xa cách, tân gia …. Phong tục này đặc biệt còn dành cho bạn bè thân thiết với gia chủ. Ngày Tết, khách đến xông nhà người Lào được chủ nhà buộc vào cổ tay một vòng chỉ xanh hoặc đỏ, biểu tượng hạnh phúc và sức khỏe. Tục lệ buộc chỉ cổ tay là một nét văn hóa độc đáo, nó thể hiện lòng mến khách đối với bạn bè của người Lào. Buộc chỉ cổ tay kèm với những lời chúc bình an, may mắn đó là một thông điệp mà mỗi người dân nơi đây dành cho mọi người xung quanh, bạn bè quốc tế rằng chúng tôi yêu mến các bạn.

Người dân Lào thường cầu cho người khác hơn là cầu cho chính mình. Bởi với họ cầu mong tốt lành cho người khác, thì sau đó, người khách sẽ lại mang bình an đến cho họ. Theo người dân ở nơi đây, để lời chúc được hiệu nghiệm thì trong vòng ba ngày người nhận lễ không được tháo sợi chỉ ra vì bất cứ lí do gì.

KHẤT THỰC HAY CÒN GỌI LÀ TAK BẠT – Ý NGHĨA CỦA VIỆC KHẤT THỰC.

Ngoài đường phố lúc này chừng 5 giờ sáng, đã đông người, người ta ngồi thành nhóm dàn ngang trên hè phố, trên chiếu hay những chiếc ghế thấp, trong đó đa số là các bà, các chị. Hầu hết mọi người cả nam và nữ đều quàng phạ biêng, loại khăn quàng chéo từ vai trái xuống một cách trang trọng. Đây là lễ phục của người Lào, phạ biêng của nam giới thì thường đơn giản, một màu, còn phạ biêng của nữ giới nhiều màu sắc với những hoa văn cầu kỳ. Nhiều phụ nữ trông rất hiện đại đi xe ô tô đến, trải chiếu xuống vỉa hè và quỳ xuống chờ đợi. Mọi người đều lặng yên như chìm vào suy tưởng. Một không khí linh thiêng lan tỏa trên các con phố, có những hàng cột đèn nối nhau tỏa sáng đến xa tít như những ngọn nến khổng lồ…

Hết đoàn sư này đến đoàn sư khác, cả một quãng phố vàng rực mầu áo cà sa và tiếng đọc kinh êm ả. Sau khi nhận lễ vật từ một nhóm Phật tử, dù vài người hay hàng chục người, các vị sư đều đứng lại, dàn hàng ngang, cách các Phật tử chừng 2 m rồi đồng thanh đọc một bài kinh ngắn, cầu phúc cho các thí chủ. Khi đó, các thí chủ đều cúi đầu, một tay đưa lên như bông hoa sen trước ngực trong tư thế niệm Phật, một tay cầm bình nước nhỏ rót xuống đất hay rót vào cái âu nhỏ bằng đồng mà họ mang theo, sau đó rót vào gốc cây một cách kính cẩn, cử chỉ này mang ý nghĩa hồi hướng công đức để tổ tiên, ông bà đã khuất được mát mẻ, an lành.
Chiêm ngưỡng buổi khất thực tôi được chứng nghiệm đoạn giảng kinh ở đâu đó quy định về khất thực là “khi đi vị khất sĩ không ngó qua ngó lại, không được mở miệng nói chuyện… Khi đi khất thực, vị khất sĩ cũng không được để ý xem mình được cái gì, và cũng không được thỏa mãn cũng như bất mãn. Nếu một người đàn bà cúng dường đồ ăn, vị khất sĩ không được nói, nhìn hay quan sát người ấy đẹp hay xấu. Đồ ăn cúng dường cho khất sĩ không phải luôn luôn nhiều hay ngon lành, hay tinh khiết. Các chuyến đi khất thực đôi lúc cũng có thể gây nên những xáo trộn tình cảm cho các Tỳ-kheo trẻ vì đa số thí chủ là đàn bà con gái. Do đó, việc tự điều phục thân tâm là điều rất cần thiết trong lúc khất thực, như đức Phật đã nhấn mạnh: “Chỉ khi nào thân tâm được điều phục, thực hành chánh niệm và phòng hộ các căn thì mới đi vào làng khất thực”…

Theo giáo lý nhà Phật, trì bình khất thực mang lại nhiều lợi ích cho các vị khất sĩ và cho chúng sinh. Đối với các vị sư, các khất sĩ, thì ôm bình bát đi xin khiến cho tâm trí họ được rảnh rang, ít phiền não, họ không phải lo kiếm kế sinh nhai, có nhiều thì giờ để tu hành và đoạn trừ được tâm kiêu căng ngã mạn, cũng như đoạn trừ lòng tham, không thể tham ăn ngon và ăn nhiều vì ai cho gì ăn nấy, thức ăn chỉ đầy bát chứ không nhiều hơn, tránh khỏi sự tích trữ vật thực tiền của.
Ngoài lợi ích cho riêng mình, vị khất sĩ còn mang lại ba điều lợi ích cho chúng sinh như tạo cơ duyên cho người bố thí đoạn trừ lòng tham, tức là tạo phúc duyên cho họ, tạo cơ duyên giáo hoá chúng sinh, và nêu gương sống giản dị làm cho người đời bớt tham đắm của cải. Phật tử thường bận rộn sinh kế, ít có điều kiện đến chùa cúng dường, chưa kể không ít người vì nghèo khó mà ngại ngùng, nên các vị sư đi khất thực là tạo cơ hội bình đẳng cho tất cả Phật tử cúng dường Tam bảo. Như vậy, khất thực vừa để độ nhật, vừa để thuyết pháp độ sinh và là nỗ lực hành thiền, đoạn trừ lòng tham dục…

Theo Kinh Phật, trước khi lên đường khất thực vị khất sĩ nguyện rằng: “Nguyện cho các vị khất sĩ thảy đều được no đủ và nguyện cho các thí chủ thảy đều được phúc báu vô lượng. Như nay tôi được món ăn là dùng để điều trị cái thân độc hại này, để tu tập thiện pháp, lợi ích cho thí chủ…

Khác với Việt Nam, trên bàn thờ Phật ở Lào không có chỗ bày lễ vật, không có xôi, oản, hoa trái, bánh kẹo, cỗ chay… mà chỉ có những lọ hoa sen, hoa cúc vàng, đôi khi hoa cúc được tết lại như cái tháp và thắp nến, thắp hương vậy thôi. Những lọ hoa, giá nến, chậu cắm hương đều đặt ngay trên chiếu lễ.

Thực phẩm, y áo cúng dường Tam bảo được cúng trực tiếp cho các vị sư. Phật tử đến chùa bày phẩm vật trước mặt sư, quỳ lạy sư và dâng lễ vật. Người Lào quan niệm dâng thực phẩm, y áo cho các vị sư chính là cúng Phật, cũng là cúng cho tổ tiên, cha mẹ đã khuất. Do đó, họ không làm những đồ vật đó bằng vàng mã mà cúng thực phẩm và đồ dùng thật để các sư thọ dụng. Có người nói, trong Tam bảo thì trọng nhất là Tăng, không có Tăng thì chúng sinh không biết Pháp, không biết Pháp thì không biết đến Phật, ở Lào quan niệm này rất sống động…
Chùa Lào cũng là nơi gửi tro hài cốt. Xung quanh sân chùa, sát tường bao là rất nhiều mộ tháp, mỗi tháp mộ như vậy thế có khi để ba bốn hộp tro cốt, vì thế mà Lào không có các khu nghĩa địa mênh mông như ở Việt Nam…

< 3 Một nét văn hóa không thể tách rời cuả người Lào – đó là điệu múa truyền thống có tên gọi LAMVONG. LAMVONG là một điệu nhảy dân gian, gần gũi với đời sống văn hóa các bộ tộc Lào. “Phi Lăm vông bất thành lễ hội”, không có lễ hội, đám tiệc nào mà kết thúc lại không có điệu nhảy sôi động này.
TẠI SAO LÀO ĐƯỢC GỌI LÀ ĐẤT NƯỚC TRIỆU VOI

Vương quốc của người Lào (Vạn Tượng) hiện nay một số sách báo viết là Lan Xang, Lan Ch’ang (tiếng Pali: Sisattanakhanahut, tiếng Lào: ລ້ານຊ້າງ – lâansâang, tiếng Trung: 南掌 – Nam Chưởng hay 萬象 – Vạn Tượng) nghĩa là “đất nước triệu voi”, được Somdetch Brhat-Anya Fa Ladhuraniya Sri Sadhana Kanayudha Maharaja Brhat Rajadharana Sri Chudhana Negara (tức vua Fā Ngum) thành lập năm 1354.
Phải sống lưu vong từ khi còn nhỏ sang Đế quốc Khmer, hoàng tử Lào từ Xieng Dong Xieng Thong (tên chính thức là Muang Sua sau khi Lào chiếm được nó từ đế quốc Khmer) cuối cùng đã kết hôn với một trong các công chúa của vua Khmer. Năm 1349 bắt đầu từ Angkor với việc chỉ huy của đội quân 10.000 lính, Fā Ngum đã tổ chức các lãnh địa mà ông chiếm được thành các mường (tương tự như tỉnh ngày nay) và giành lại Xieng Dong Xieng Thong từ tay cha và anh trai. Fā Ngum được tôn lên làm vua của Vạn Tượng tại Viêng Chăn, nơi ông đã giành được chiến thắng (trận Phay Nam) vào tháng 6 năm 1354. Vạn Tượng, theo nghĩa đen là “triệu voi”, một cách nói bóng gió tới cỗ máy chiến tranh kinh khủng của ông. Đất nước Vạn Tượng trải dài từ biên giới phía bắc với Trung Quốc tới Sambor phía dưới các thác ghềnh của sông Mê Kông tại khu vực đảo Khong và từ phía đông là biên giới với Đại Việt tới các dốc đứng phía tây của cao nguyên Khorat. Khi đó, nó đã từng là một trong các quốc gia lớn nhất tại khu vực Đông Nam Á. Muang Sua là vương quốc đầu tiên được các bộ lạc người Lào/Thái thành lập và chiếm đóng từ lãnh thổ của đế quốc Khmer.
Những năm đầu trong thời gian trị vì của Fā Ngum tại kinh đô Xieng Dong Xieng Thong đã không có biến cố gì. Tuy nhiên, sáu năm tiếp theo (từ 1362 tới 1368), lại là khoảng thời gian bất ổn do mâu thuẫn tôn giáo giữa nhánh Lạt ma giáo trong Phật giáo mà Fā Ngum theo với Phật giáo Tiểu thừa (Theravada) truyền thống của khu vực. Ông đã trấn áp khốc liệt sự ủng hộ trong giới bình dân với những ý định chống lại người Mông Cổ và cho phá hủy nhiều chùa chiền. Năm 1368, người vợ gốc Khmer của Fā Ngum chết. Sau đó ông cưới con gái của vua Ayutthaya, người dường như đã có ảnh hưởng tới các cố gắng kiến lập hòa bình. Ví dụ, bà là người ra lệnh chào đón phái bộ tôn giáo và nghệ sĩ đã mang một bức tượng Phật là Phra Bang tới đây, mà theo tên gọi của nó kinh đô của vương quốc được đổi tên. Bức tượng Phật này cũng đã trở thành vật hộ mệnh cho vương quốc. Tuy nhiên, sự oán hận trong dân chúng vẫn tiếp tục diễn ra và năm 1373 Fā Ngum phải rút về Muang Nan (nay thuộc tỉnh Nan của Thái Lan). Con trai của ông, Oun Heuan, người phải sống lưu vong tại miền nam Vân Nam, đã quay trở lại để làm nhiếp chính cho đế quốc mà Fā Ngum đã tạo ra. Oun Heuan chính thức lên ngôi (tức vua Samsenethai – nghĩa là 300.000 người Thái) năm 1393 khi Fā Ngum chết, đánh dấu sự kết thúc vai trò chúa tế của người Mông Cổ tại khu vực thung lũng trung lưu sông Mê Kông. Các ghi chép lịch sử của người Thái cho thấy Samsenthai và toàn bộ các vị vua tiếp theo của Vạn Tượng (Lào) đều đóng vai trò vua của quốc gia chư hầu cho vương quốc Ayutthaya.
Vương quốc do người Lào, người Thái và một số bộ lạc miền đồi núi khác dựng lên, đã tồn tại trong vùng ranh giới này trong vòng khoảng 300 năm nữa và trong một khoảng thời gian ngắn thậm chí còn mở rộng thêm được về phía tây bắc. Các hậu duệ của Fā Ngum còn tại vị trên ngai vàng tại Muang Sua, đổi tên nó thành Luang Phrabang, trong gần 600 năm sau khi ông chết, duy trì sự độc lập của Vạn Tượng cho tới cuối thế kỷ 17 thông qua một mạng lưới phức tạp các mối quan hệ chư hầu với các công quốc nhỏ hơn. Những người kế tục Fā Ngum, đặc biệt là vua Photisarath ở thế kỷ 16 đã giúp đưa Phật giáo Tiểu thừa trở thành tôn giáo chính trong nước. Vào cùng khoảng thời gian này, các vị vua của Vạn Tượng cũng phải chiến đấu để đẩy lui các cuộc xâm lấn từ phía Đại Việt (1478-1479), Xiêm La (1536), và Myanma (1571-1621).

5 lý do nên đi du lịch Lào “ngay lập tức”

Nhiều du khách Việt thường nghĩ chắc Lào không có gì hấp dẫn để vui chơi ngoài việc ghé thăm các ngôi ngôi chùa, vì đất nước chỉ có 7 triệu dân mà có tới 1400 ngôi chùa. Ở Lào, mỗi quận, huyện, xã người dân có những ngôi chùa của riêng từng địa phương và ngôi chùa cũng THÊ HIỆN SỰ GIÀU CÓ của người dân ở khu vực đó nếu chùa càng to và đẹp. Với người dân Lào, thì Chùa chính là trường học, là nhà và người Lào để trưởng thành và kết hôn thì cần tới Chùa để tu ít nhất một lần trong đời, để báo hiếu cha mẹ, để học cách làm người… Đất nước Triệu Voi ẩn chứa nhiều điều thú vị mà bạn chưa biết. Nếu vẫn đang băn khoăn có đi hay không thì hãy đọc 5 lý do nên đi du lịch Lào “ngay lập tức” trong bài viết sau.
1. Không cần xin visa: Một trong các lý do nên đi du lịch LÀO “ngay lập tức” chính là không cần visa. Du khách Việt sẽ được nhập cảnh vào đất nước LÀO trong vòng 30 ngày không cần xin visa mà chỉ cần hộ chiếu còn thời hạn ít nhất 6 tháng. Điều này sẽ giúp bạn ghé thăm xứ sở Triệu Voi dễ dàng hơn, đi lúc nào cũng được và không cần thủ tục rắc rối.
2. Chi phí rẻ: Là đất nước láng giềng Việt Nam nên tính ra chi phí làm chuyến du lịch Lào khá rẻ. Các tour Lào hiện nay dao động từ 3.9-4.5 triệu. Du khách có thể thoải mái mua sắm quần áo, quà lưu niệm về tặng người thân và bạn bè.
3. Tham quan: Nhiều điểm thăm quan mang tính lịch sử và giá trị tinh thần đối với người Lào như Chùa Mẹ Sỉ Mương – gắn liền với truyền thuyết xây dựng trụ cột thiêng của đất nước Triệu Voi hay Thạt Luang – là ngôi tháp lớn nhất của đất nước Lào. Vườn Tượng Phật – đây làm một công viên được xây dựng mô phỏng theo đề tài Phật giáo, với những phù điêu mô phỏng cuộc sống hàng ngày của Đại Ngục – Hiện tại – Thiên đàng.. và nổi bật là hình tượng Phật nhập niếp bàn dài 50m, cao 10m và rất nhiều công trình kiến trúc gắn với từng thời kỳ của đất nước Triệu voi.
4. Thưởng thức ẩm thực của người Lào: Ẩm thực của người Lào có chịu ảnh hưởng từ Thái Lan và họ đã thêm vào các gia vị riêng để tạo nên hương vị đặc trưng của món ăn. Nhìn chung thì các món ăn Lào sử dụng gia vị hơi nhiều nhưng cũng hợp khẩu vị của du khách Việt. Nếu có dịp ghé thăm đất nước Lào, du khách có thể thưởng thức các món đặc sản địa phương như: Lạp (món ăn tượng trưng cho sự may mắn, thịnh vượng), gỏi, nộm đu đủ, rong sông Mekong, Lạp sưởng Luang Prabang… Đặc biệt, đừng quên thường thức một cốc bia Lào bên bờ Sông Mekong, cùng món nộm đu đủ cay nồng tạo nên ấn tượng khó quên⭐️
5. Tận hưởng thiên nhiên hùng vĩ, núi non trùng điệp: Lào nổi tiếng với nhiều địa danh gắn với các cuộc chiến tranh và bộ đội Việt Nam như Xiêng Khoảng nổi tiếng với Cánh Đồng Chum, hay cố đô Luang Prabang – nổi tiếng với những nét cổ kính được Unesico công nhận là di sản văn hóa thế giới và là ĐIỂM ĐƯỢC ƯA THÍCH ĐỨNG THỨ 4 KHU VỰ ĐÔNG NAM Á & Luang Prabang được ví như là Hội An của Việt Nam. Vang Viêng nổi tiếng với những trò chơi mạo hiểm như zipline, kayaking, kinh khí cầu… Hay Nam Lào nổi tiếng với 4000 Đảo, cuộc sống yên bình và thơ mộng.